Ghi nhận của PV Lao Động ngày 10.4, chỉ cần gõ từ khóa "hack nick, đọc trộm tin nhắn"... không khó để bắt gặp các bài đăng quảng cáo về dịch vụ này với mức giá từ 1-2 triệu đồng/lần.
Truy cập vào hội nhóm kín có gần 40.000 thành viên, nhiều tài khoản Facebook tại đây đã liên tục đăng bài ẩn danh với nội dung tìm kiếm dịch vụ đọc trộm tin nhắn, ăn cắp nick Facebook, Zalo nhanh chóng, chuyên nghiệp.
Đáng chú ý, ngay bên dưới bài đăng này, rất nhiều bình luận và hàng loạt tài khoản khác cũng đã để lại thông tin, kèm theo lời chào mời dịch vụ đọc trộm tin nhắn, cam kết không lừa đảo, thanh toán sau khi hoàn thành công việc.
Trong vai người có nhu cầu sử dụng dịch vụ, PV Lao Động đã liên hệ với một chủ tài khoản Facebook tên H.K cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn 24/24. Tài khoản Facebook tên H.K nói, người sử dụng dịch vụ chỉ cần cung cấp link Facebook để kiểm tra bảo mật tài khoản, sau đó cung cấp số điện thoại để xác minh.
"Giá hack nick, đọc trộm tin nhắn Facebook, Zalo hiện là 1,7 triệu đồng/lượt, sẽ bảo hành xem trộm tin nhắn vĩnh viễn nếu như tài khoản không thay đổi mật khẩu" - tài khoản Facebook tên H.K nói.
Liên hệ với một chủ tài khoản Facebook tên Nhân, quảng cáo nhận làm dịch vụ hack nick Zalo với giá 1,4 triệu đồng/lần, người này cam kết khi phóng viên sử dụng dịch vụ có thể xem được tin nhắn cũ, tin nhắn đã xoá, tin nhắn ẩn của tài khoản Zalo.
Khi thấy phóng viên băn khoăn, do dự, tài khoản Facebook tên Nhân đã chào mời thêm combo “mua 1 được 2”, hack tài khoản Zalo kèm tài khoản Facebook với giá 1,5 triệu đồng/lần, cam kết bảo hành mật khẩu trong 1 tháng, không bị cảnh báo về tài khoản chính chủ...
Đề cập đến nội dung này, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp - thông tin, Luật An ninh mạng năm 2018 quy định, nghiêm cấm hành vi xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trên không gian mạng như chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin bí mật cá nhân, đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Đáng chú ý, hành vi truy cập trái phép vào Facebook, Zalo của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ, hậu quả xảy ra của hành vi mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm, về việc xử phạt vi phạm hành chính, thông thường, nếu chỉ hack Facebook người khác thì có thể sẽ bị phạt hành chính 10 triệu đồng.
Trường hợp hack Facebook người khác với mục đích xâm nhập, thu thập thông tin, thay đổi, xóa bỏ thông tin… có thể bị phạt đến 50 triệu đồng, được quy định rõ tại Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện.
Trường hợp hành vi truy cập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để xâm phạm bí mật thư tín, điện tín, điện thoại sẽ bị xử phạt hành chính, nếu vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.