Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) hết phải cạnh tranh với Anh trai say hi lại đụng độ Rap Việt. Liệu có phải vì phát sóng cùng khung giờ với đối thủ mạnh, hay chất lượng của chương trình có vấn đề khiến khán giả quay lưng?
Lượt xem sụt giảm
Lên YouTube gần như cùng thời điểm nhưng sau một ngày, tập 11 của Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) đạt 410.000 lượt xem, gần bằng 1/10 tập đầu của Rap Việt (4,4 triệu lượt). Trước đó lượt xem của những tập cuối Anh trai say hi cũng đều gấp 3-5 lần ATVNCG.
Có nhiều lý do khiến show Anh trai tụt hậu dù phần âm nhạc được thực hiện chỉn chu với nhiều sáng tạo. Đầu tiên chính vì âm nhạc thiên về nghệ thuật đã có tính sàng lọc khán giả.
Mặc dù nhiều người thán phục màn sáng tạo dựa trên chất liệu chèo của Binz nhưng không phải ai cũng nghe được, hát theo được lại càng ít. Mặc dù sự kết hợp với các chất liệu truyền thống Việt Nam đạt tới độ tinh tế nhưng tập 10 vẫn là một trong những tập có lượng người xem thấp nhất chương trình.
Tuy nhiên vẫn phải ghi nhận chương trình ở sự lội ngược dòng thị hiếu để góp phần phủ sóng âm nhạc truyền thống.
Một trở ngại nữa là show Anh trai hướng tới khán giả đại trà nhiều lứa tuổi. Không ít trong số đó sẽ chỉ xem bản truyền hình do sóng quốc gia phủ khắp các tỉnh thành. Lượng khán giả xem qua YouTube vì thế sẽ ít hơn. Trong khi Anh trai say hi hay Rap Việt chủ yếu dành cho khán giả trẻ, đối tượng đã quen giải trí qua mạng.
Việc show Anh trai tạm ngừng phát sóng trong một vài thời điểm là cần thiết, tuy nhiên không khỏi khiến cho sự quan tâm của khán giả bị gián đoạn. Những thông tin về diễn biến chương trình được dịp rò rỉ nhiều hơn. Vì thế khi phát sóng không còn gây bất ngờ, hấp dẫn nữa. Chẳng hạn việc Hà Lê và Kiên Ứng hồi sinh nhiều người đã biết từ lâu, không cần đợi đến tối 21/9.
Một tai nạn ảnh hưởng tới sức hút của show Anh trai đến từ chính cộng đồng hâm mộ tự xưng là “Gai Con”. Chỉ vì một phút nông nổi nâng khống số tiền hỗ trợ vùng lũ (từ 200.000 đồng thành 20 triệu đồng) trên danh nghĩa tập thể qua tài khoản MTTQ bị dư luận lên án, fanpage đã phải xin lỗi và giải thể khi đang có 45.000 lượt theo dõi. Fanpage này cũng tuyên bố hoàn trả tiền quyên góp vốn dành để ủng hộ hòa nhạc sắp tới. Đội ngũ “cày view” tan rã tất làm suy giảm lượt xem chương trình.
Thời trang, bối cảnh nhàm chán
Việc chi tiêu tiết kiệm của chương trình cũng là yếu tố có thể cũng ảnh hưởng một phần tới độ hấp dẫn của Anh trai vượt ngàn chông gai. Phần nghe nhìn trên sân khấu tương đối hoành tráng mãn nhãn, mãn nhĩ rồi nhưng ở hậu trường khán giả sẽ thấy các anh tài chủ yếu mặc đồng phục tập luyện.
Các cảnh quay hậu trường cũng khá tẻ nhạt trong không gian đơn điệu của ký túc xá, phòng hội nghị hay những nơi sinh hoạt chung được bài trí hết sức giản tiện.
Như vậy chỉ cần so với Chị đẹp của cùng nhà sản xuất đã thấy sự đầu tư hình ảnh cho các anh tài có bước lùi. Các chị đẹp có nhiều dịp thể hiện gu thời trang đa dạng, qua đó khán giả nhận dạng cá tính của mỗi người rõ hơn. Các chị cũng hay được ở biệt thự hoặc các khu resort khá sang chảnh chứ không úi xùi như mấy anh tài.
Có thể chương trình muốn cắt nghĩa nam tính là phải giản dị, hòa đồng, không để ý hình thức nên mới để các anh tài sinh hoạt trong điều kiện gợi nhớ sinh viên hoặc công nhân như vậy.
Đã có những than phiền từ phía anh tài rằng họ phải trốn ký túc xá về nhà ngủ để lấy lại sức, bởi không chịu nổi tiếng ngáy của bạn cùng phòng. Việc này với các anh tài ở TP.HCM khá đơn giản. Những người ở xa đành chịu vậy.
Tất nhiên điều kiện sống tập thể cũng sẽ đem lại nhiều tương tác khiến người xem cảm thấy thú vị. Đây cũng là một loại chông gai mà các anh tài phải vượt qua.
Tuy nhiên khi chương trình đã đi đến những tập cuối mà vẫn không có sự nâng cấp bối cảnh tất sẽ đem lại sự nhàm chán. Chưa kể điều này có thể cũng bào mòn sức lực anh tài khiến họ không đạt phong độ tốt nhất khi trình diễn…
Điểm số bất công
Điều khiến khán giả nghi ngờ dẫn tới quay lưng còn do các “nước đi” lạ lùng của chương trình. Nhất là việc Tiến Luật được điểm bình chọn cao chót vót 1.700 vượt xa người về nhì là ST. Sơn Thạch (970).
Kết quả này lật đổ các thần tượng Tuấn Hưng, Phan Đinh Tùng… cũng khiến một số khán giả yêu nhạc đâm ra chán ghét chương trình đưa diễn viên hài lên ngôi.
Cũng ở công diễn 4, việc Tuấn Hưng chủ động xin thi đơn khiến nhà Cá Lớn rơi vào thế yếu, mất nhiều điểm hỏa lực và phải tạm biệt Đăng Khôi. Đây cũng là một diễn biến đúng chất truyền hình thực tế đem lại kịch tính cho chương trình, nhưng cũng ảnh hưởng không tốt tới hòa khí chung.
Khán giả sau đó được chứng kiến Tuấn Hưng không được đoái hoài khi hai nhà mới chiêu mộ thành viên. Và lời xin lỗi vì không sớm mời đàn anh về đội của Cường Seven ai cũng hiểu chỉ là xã giao mà thôi.
Ở tập 11, một lần nữa xuất hiện số điểm đột biến khi Cường Seven vượt lên dẫn đầu với số điểm 1.830 trở thành đội trưởng được khán giả yêu thích nhất, bỏ xa Tiến Đạt (890) và ST. Sơn Thạch (390).
Có cảm giác Thạch lại bị “đì”. Anh đã lãnh đạo đội Chín Muồi có những tiết mục đạt hiệu quả cả về nghệ thuật và điểm số, nhưng vẫn không thể dẫn đầu.
Và bây giờ một lần nữa anh lại chịu thua trong cuộc đấu giữa các đội trưởng. Nước mắt ST. Sơn Thạch rơi hẳn cũng vì những “oan ức” mà anh không đáng phải chịu.
Một trong những chông gai khó nhằn mà một số anh tài phải vượt qua là việc có rồi lại mất quyền lực, cũng là quyền chủ động quyết định số phận của bản thân và đồng đội.
Độn quảng cáo
Tập 11 chỉ xoay quanh việc chia đội, đấu giá bài hát và dựng “tiểu phẩm” trả quyền lợi nhà tài trợ. Dù có thay đổi hình thức cũng không phải là những yếu tố hấp dẫn khiến khán giả phải xem đi xem lại. Chương trình có khá nhiều nhà tài trợ dẫn tới các màn quảng cáo trá hình tràn lan, đôi khi lấn át nội dung chính.
Chẳng hạn cứ thấy Đinh Tiến Đạt tới trò chuyện với Jun Phạm là ai cũng biết họ sắp nói về tài khoản ngân hàng… Khán giả đương nhiên biết thừa chiêu thức này. Nó cũng thách thức sự kiên nhẫn của không ít người.
Ở tập mới nhất, chương trình đã dồn hết phần anh tài quảng cáo về cuối, không xen lẫn nội dung chính như trước.
Link nội dung: https://ddkqxs.com/show-anh-trai-nham-chan-a13688.html