Bùng nổ thú nuôi rùa cảnh
Qua sự giới thiệu của bạn bè, ông Đào Hải Minh (Hà Đông, Hà Nội) đã quyết định bỏ ra số tiền 1 triệu đồng để mua 2 chú rùa cạn về nuôi làm cảnh. Với lời giới thiệu của người bán trên mạng: So với các loại thú cưng khác, rùa sống lâu hơn, không tốn công chăm sóc và đặc biệt rất sạch sẽ, anh Minh tỏ ra vô cùng hào hứng.
“Tôi không có quá nhiều thời gian do công việc bận rộn nên quyết định nuôi rùa, vừa khuây khỏa, vừa không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt thường ngày”, anh Minh chia sẻ.
Cũng giống như Hải Minh, hiện rất nhiều bạn trẻ đang có xu hướng chọn rùa, bò sát cỡ nhỏ để làm thú nuôi trong nhà. Rùa được buôn bán mọi lúc, mọi nơi thông qua nhiều hình thức. Ngoài các chợ sinh vật cảnh, vỉa hè, điểm du lịch, thậm chí cổng chùa… rùa còn được đưa lên các nền tảng số khi có mặt trong các nhóm, hội trên mạng xã hội như Facebook, Youtube.
Hai cá thể rùa bị treo bán tại vỉa hè. (Ảnh:
Chỉ với thao tác gõ cụm từ “rùa cảnh” trên thanh tìm kiếm Facebook, hàng loạt các trang cá nhân, hội nhóm rao bán loài động vật này đã xuất hiện. Với các tên gọi khác nhau như Cộng đồng rùa cảnh 3 miền, Hội Giao lưu Rùa cảnh… các hội nhóm công khai hoặc riêng tư này thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia. Cá biệt, có những nhóm còn ngang nhiên rao bán các loại rùa được bảo hộ đặc biệt như nhóm Rùa núi vàng bốn mùa, Hội mua bán rùa nước Việt Nam…
Về giá cả, tùy cỡ và tùy loài sẽ có các mức giá khác nhau. Những loại ngoại lai như rùa tai đỏ thường có mức giá từ 40.000-100.000 đồng/con. Những cá thể rùa quý hiếm, “size to” có thể lên tới hơn 6 triệu đồng. Đặc biệt, để có thể sở hữu các loài đột biến như bạch tạng, rùa lai… thậm chí người chơi phải bỏ ra số tiền gấp nhiều lần hơn thế.
Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm con người và thiên nhiên phối hợp cùng Chương trình bảo tồn rùa châu Á, phần lớn các cá thể rùa được mua bán thông qua các khu chợ ảo này là những cá thể rùa nước ngọt, đa dạng về chủng loại, từ ngoại lai đến các loài đặc hữu của Việt Nam.
Trong số 17 loài rùa bản địa được rao bán tại các hội, nhóm trên Facebook, chiếm tỷ lệ cao nhất là rùa núi vàng đang được xếp ở mức Cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN, rùa sa nhân (mức Nguy cấp), rùa ba gờ (Sắp nguy cấp). Ngoài ra, còn có rùa cổ sọc cũng ở mức Cực kỳ nguy cấp.
Tái thả các cá thể rùa bốn mắt về môi trường tự nhiên. (Ảnh: APC/IMC)
Bà Tô Bích Ngọc, cán bộ PanNature cho biết: Ngoài việc nuôi rùa như thú cưng, hiện nay còn xuất hiện hiện tượng nuôi loài vật này theo quan niệm dân gian.
“Rùa là động vật có tuổi thọ cao nên nhiều người có quan niệm một cách vô căn cứ rằng nuôi rùa là cách làm tăng tuổi thọ của người thân trong gia đình. Không rõ từ đâu, quan niệm dân gian cũng cho rằng nuôi rùa là cách để trấn trạch, mang tới bình an cho gia chủ và hình ảnh hoa văn trên mai rùa cũng có ý nghĩa giúp hóa giải vận xui của gia đình”, vị chuyên gia chia sẻ.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo các chuyên gia, việc nuôi rùa, đặc biệt là rùa hoang dã như thú cưng thực tế đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cũng như rủi ro về mặt pháp lý.
Đại diện PanNature phân tích: Việc nuôi rùa có thể gây ra những hệ lụy đối với sức khỏe con người. Nếu người nuôi không cẩn trọng giữ khoảng cách, rùa cắn có thể là một nguy cơ hiện hữu.
“Vết cắn của chúng đủ khỏe để tạo ra vết thương sâu, thậm chí vết cắn của loài rùa cá sấu trưởng thành có thể cắt đứt chân hoặc tay người. Mặc dù với rùa con, nguy cơ này ít tồn tại, song chúng vẫn có thể mang nhiều vi khuẩn trong khoang miệng và có thể gây nguy hiểm cho người bị cắn”, bà Ngọc cảnh báo.
Trong cơ thể rùa có nhiều loài ký sinh có thể gây hại ở người.
Ngoài ra, rùa còn mang nhiều loài ký sinh có thể gây bệnh ở người, vì vậy cần chế độ nuôi cách ly. Các căn bệnh trên người có nguy cơ lây nhiễm từ việc nuôi nhốt rùa làm thú cưng, bao gồm bệnh nhiễm khuẩn Salmonella, ngộ độc Botulism, nhiễm khuẩn Campylobacteriosis, nhiễm khuẩn Leptospirosis, nhiễm giun Trichinellosis.
Hầu hết các bệnh đều có thể điều trị được, một số có thể rất nghiêm trọng như nhiễm Salmonella hoặc ngộ độc Botulism (Health Protection Surveillance Centre, 2013). Bệnh nhiễm khuẩn Salmonella do vi khuẩn Salmonella gây ra ở ruột và có thể lây lan vào máu đến các cơ quan khác trong cơ thể. Người ta ước tính rằng khoảng 90% các cá thể bò sát đều mang vi khuẩn Salmonella trong phân của chúng.
Vi khuẩn lây lan theo đường tiêu hóa từ phân của rùa có thể nhiễm khuẩn theo thức ăn qua tiếp xúc với tay hoặc đồ vật có dính vi khuẩn, sau đó xâm nhập sang người. Vi khuẩn cũng có thể nhiễm từ người sang người nếu tiếp xúc mà không rửa tay sạch. Rùa thường mang vi khuẩn Salmonella trên da và mai của chúng. Trẻ nhỏ, vốn có xu hướng đưa tay vào miệng, là các đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn trong các hộ gia đình nuôi rùa.
Vết cắn của loài rùa cá sấu trưởng thành có thể cắt đứt chân hoặc tay người.
Bên cạnh đó, việc vệ sinh rùa hoặc chuồng nuôi, dụng cụ nuôi rùa trong các bồn rửa ở nhà bếp cũng có thể làm lây nhiễm chéo vào thực phẩm hoặc dụng cụ ăn uống.
Về khía cạnh pháp lý, chuyên gia từ PanNature khuyến cáo, hầu hết các loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa được pháp luật Việt Nam bảo vệ, theo Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Các hành vi vi phạm liên quan đến các loài này có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 15 năm tù giam cho cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân.
“Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các bài viết, video buôn bán rùa trên mạng xã hội hiện nay đều không nhắc tới giấy tờ nguồn gốc hay giấy phép. Như vậy, người nuôi rùa nếu không nắm được các quy định pháp luật liên quan sẽ có thể vướng vào vòng lao lý nếu thú cưng của mình thuộc nhóm được ưu tiên bảo vệ”, bà Tô Bích Ngọc nói.
Ở góc độ bảo tồn, việc hình thành trào lưu nuôi rùa cảnh cũng tạo áp lực, làm suy giảm quần thể rùa hoang dã. Việc săn bắt, tiêu dùng, nuôi nhốt rùa hoang dã khiến nhiều loài trở nên nguy cấp, đặc biệt là khi môi trường sống của loài này cũng đang bị thu hẹp và suy thoái.
Một cá thể rùa tại khu cách ly của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
“Nhu cầu nuôi rùa cảnh và hoạt động thương mại rùa không chỉ ảnh hưởng tới đa dạng sinh học của Việt Nam mà còn có ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới. Bởi lẽ, để có các loài rùa ngoại lai nhập cảnh vào Việt Nam, các đối tượng cung cấp động vật cảnh cũng phải nhập rùa từ các nước khác và không loại trừ việc nhập lậu những loài ngoài tự nhiên. Đơn cử, hoạt động buôn bán để làm cảnh các loài đặc biệt nguy cấp như rùa sao Miến Điện (Geochelone platynota) tại Việt Nam đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hại từ sự gia tăng của hoạt động buôn bán các loài ngoại lai tại nước ta đối với các quần thể hoang dã của các loài nguy cấp trên toàn thế giới”, Báo cáo Chợ rùa trên mạng mới được công bố nêu ra nguy cơ.
Ngoài ra, phần lớn các loài rùa ngoại lai bị buôn bán ở Việt Nam đều bị nhập khẩu trái phép. Việc nuôi, nhân giống hay buôn bán nhiều loài ngoại lai ở Việt Nam, đặc biệt là loài ngoại lai gây hại như rùa tai đỏ là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính.
Link nội dung: https://ddkqxs.com/nuoi-rua-lam-canh-nguy-co-ruoc-benh-vao-than-a14167.html